Xã hội ngày càng phát triển, trẻ em được tạo mọi điều kiện để phát triển toàn diện. Song song với việc trang bị cho các em học sinh những tri thức thì việc giáo dục cho các em các kỹ năng sống là vô cùng quan trọng. Trang bị các kỹ năng sống cho học sinh tiểu học không chỉ giúp các em học tập hiệu quả hơn mà các em còn chủ động, tự tin, sáng tạo, biết ứng dụng các kiến thức và kỹ năng để ứng xử và giải quyết các vấn đề trong trường học và cuộc sống như : Kỹ năng tự phục vụ, giáo dục giới tính, bảo vệ bản thân, giao tiếp ứng xử, làm việc nhóm, kỹ năng quản lý tài chính, kỹ năng thuyết trình,…
Để mỗi trẻ em có đầy đủ hành trang vững bước vào tương lai, một trong số đó là kỹ năng cần trang bị cho học sinh là phòng tránh bị xâm hại. Việc giáo dục các em cách nhận diện các hành vi xâm hại sẽ giúp các em biết cách ứng phó kịp thời, tránh được những tình huống nguy hiểm. Giáo dục về phòng tránh xâm hại còn giúp trẻ nâng cao nhận thức về quyền được bảo vệ, từ đó biết tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp nguy hiểm. Bên cạnh đó, học sinh ở lứa tuổi tiểu học cần được bảo vệ răng miệng bởi lứa tuổi các em đang ở thời kì thay răng. Khi răng sữa được thay thế bởi răng vĩnh viễn, nếu không chăm sóc tốt, trẻ có thể bị sâu răng, viêm lợi và các bệnh lý răng miệng khác. Việc bảo vệ răng miệng không chỉ giúp trẻ có hàm răng khỏe đẹp, tự tin khi giao tiếp mà còn góp phần duy trì sức khỏe tổng thể vì răng miệng liên quan mật thiết đến hệ tiêu hóa.
Hai chuyên đề quan trọng trên đây đã được lựa chọn là nội dung trong buổi tuyên truyền tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh. Sáng thứ Ba, ngày 10 tháng 12 năm 2024, nhà trường đã phối hợp với Hội Bảo vệ trẻ quyền em thành phố Hải Phòng và Trung tâm Nha khoa Nụ cười tổ chức buổi Tuyên truyền phòng chống xâm hại và chăm sóc răng miệng cho học sinh năm học 2024-2025.
Buổi tuyên truyền về phòng chống xâm hại và chăm sóc răng miệng cho học sinh tiểu học thực sự để lại trong tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng sâu sắc. Với vai trò là một giáo viên, tôi nhận thấy đây là một hoạt động vô cùng thiết thực và ý nghĩa, không chỉ giúp học sinh trang bị kiến thức mà còn góp phần xây dựng một môi trường học đường an toàn, lành mạnh.
Ngay từ phần mở đầu, tuyên truyền viên đã thu hút sự chú ý của các em học sinh nhờ những hình ảnh minh họa sinh động và các câu hỏi khởi động thú vị và rất gần gũi với các em như: “Các con hay gặp những vấn đề gì về răng miệng”; “Theo con, nguyên nhân gây ra các bệnh về răng miệng là gì và tác hại ra sao?”,...Song song với các câu hỏi, tuyên truyền viên cũng minh họa bởi các video, hình ảnh sinh động để học sinh hiểu rõ hơn về một số vấn đề răng miệng, nguyên nhân và tác hại với sức khỏe nếu không may bị các bệnh về răng miệng. Sau mỗi câu hỏi, cô tuyên truyền viên luôn khuyến khích học sinh chia sẻ nhiều trên sân khấu và tặng cho các con những phần quà nhỏ để động viên tinh thần cho các em. Điều đó giúp học sinh tỏ ra rất hứng thú, nhiều em giơ tay phát biểu sôi nổi. Phần tiếp theo về chăm sóc răng miệng cũng rất thiết thực và thú vị. Nha sĩ đã sử dụng mô hình răng cỡ lớn và bàn chải để hướng dẫn học sinh cách đánh răng đúng cách. Các em rất thích thú khi được quan sát trực tiếp trên mô hình. Nhiều em học sinh còn xung phong lên sân khấu để được thực hành chải răng đúng cách. Thay vì chỉ nói lý thuyết khô khan, diễn giả khuyến khích các em trực tiếp tham gia, từng bước thực hành việc đánh răng theo vòng tròn, chải đều các mặt của răng và không quên làm sạch lưỡi. Một em học sinh lớp 2 đã tự tin nói: “Bây giờ, con đã biết cách đánh răng đúng các rồi, con không chải ngang nữa!” Điều này cho thấy, khi các em được trải nghiệm thực tế, bài học sẽ trở nên sinh động và dễ nhớ hơn. Qua phần đầu của buổi tuyên truyền, tôi tin rằng các em học sinh đã biết thêm được một số nguyên nhân gây ra các bệnh về răng miệng và cách phòng tránh. Tôi nhận thấy, việc dạy trẻ cách bảo vệ răng miệng không chỉ giúp các em khỏe mạnh hơn mà còn góp phần xây dựng thói quen sống lành mạnh ngay từ nhỏ.
Tiếp đến là phần tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em. Đầu tiên, các em học sinh được tìm hiểu các bộ phận được coi là “vùng riêng tư” của cơ thể mà người khác không được chạm vào. Các em được chia sẻ về “vòng tròn an toàn”, trong đó vòng tròn an toàn trong cùng là những người thân yêu trong gia đình như ông, bà, bố, mẹ, anh, chị,...; Vòng tròn an toàn thứ 2 là cô giáo và bạn bè; Vòng tròn thứ 3 là người quen của bố mẹ; Vòng tròn ngoài cùng là những người xa lạ, cần giữ cẩn trọng. Qua quan sát, tôi thấy đa số các em học sinh đều hào hứng đứng lên đưa tay mô tả theo từng vòng tròn giống như tuyên truyền viên ở trên sân khấu. Qua đó, các em học sinh đã biết được những người mình cần chia sẻ và tìm sự giúp đỡ là những người ở vòng tròn an toàn đầu tiên và thứ hai.
Để học sinh nắm rõ hơn hành vi bị xâm hại gồm những hành vi gì, tuyên truyền viên đã đưa ra những hình ảnh trực quan sinh động minh họa cho những xâm hại về thể chất, xâm hại lời nói, xâm hại trên không gian mạng,... Điều đó giúp học sinh có cái nhìn bao quát và rộng hơn về tất cả những hành vi, những tình huống khiến em có thể bị xâm hại và cách phòng tránh. Tuyên truyền viên còn lồng ghép các tình huống giả định để học sinh thảo luận. Ví dụ, tình huống: “Nếu có người lạ đứng trước cổng trường và nói là bạn của bố mẹ, rủ em đi ăn kem thì em sẽ làm gì?” khiến nhiều em bối rối, nhưng sau khi được hướng dẫn, hầu hết học sinh trả lời: “Em sẽ từ chối và báo cho thầy cô hoặc người lớn.”,… Tôi nhận thấy rõ sự thay đổi trong nhận thức của các em khi các em bắt đầu hiểu rằng không phải ai cũng có thể tin tưởng, đặc biệt là người lạ. Đây là bài học vô cùng quan trọng để các em tự bảo vệ mình trong cuộc sống.
Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của buổi tuyên truyền là khi cô giáo nhấn mạnh về “Quyền nói không”. Nhiều em học sinh, đặc biệt là học sinh lớp nhỏ, thường có tâm lý ngại ngùng, e sợ khi phải từ chối. Nhưng thông qua những ví dụ gần gũi, tuyên truyền viên đã giải thích rằng các em hoàn toàn có quyền từ chối những hành vi khiến mình cảm thấy không an toàn. Cô giáo còn cho các em thực hành hô lớn từ "KHÔNG" bằng giọng dứt khoát, tự tin. Nhìn thấy những cánh tay nhỏ bé giơ lên, đôi mắt các em sáng lên với sự tự tin, tôi thực sự cảm thấy xúc động. Tôi tin rằng những bài học này sẽ giúp các em mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.
Với tư cách là một giáo viên, tôi nhận ra rằng buổi tuyên truyền đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và giáo dục các em học sinh của mình. Tôi nhận thấy, bên cạnh việc dạy chữ, giáo viên còn có trách nhiệm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Những tình huống giả định mà các tuyên truyền viên đại diện cho Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hải Phòng và Trung tâm Nha khoa Nụ cười đưa ra rất thiết thực và phù hợp với thực tế. Tôi dự định sẽ áp dụng phương pháp này trong các tiết Hoạt động trải nghiệm của lớp, tổ chức thêm những buổi thảo luận nhỏ để học sinh chia sẻ suy nghĩ và đưa ra phương án giải quyết tình huống. Đối với nội dung chăm sóc răng miệng, tôi sẽ phối hợp với phụ huynh để nhắc nhở các em giữ gìn vệ sinh cá nhân hàng ngày.
Buổi tuyên truyền khép lại trong niềm vui và sự hào hứng của học sinh. Nhiều em đã chủ động bày tỏ mong muốn được tham gia thêm những buổi học ngoại khóa như thế này. Không chỉ học sinh mà cả tôi và các đồng nghiệp cũng cảm nhận được tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đây không chỉ là bài học lý thuyết, mà còn là hành trang để các em tự bảo vệ mình trong cuộc sống.
Tuyên truyền về phòng chống xâm hại và chăm sóc răng miệng là một hoạt động thiết thực và cần thiết. Nó không chỉ trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng cần thiết mà còn giúp giáo viên và phụ huynh nhận thức rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Tôi tin rằng, với sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức liên quan, đặc biệt là với Hội Bảo vệ Trẻ em Hải Phòng, việc giáo dục kỹ năng phòng tránh xâm hại, chăm sóc răng miệng cho học sinh và những chuyên đề thiết thực khác nữa sẽ ngày càng hiệu quả hơn. Đây là một trong những hoạt động nên được tổ chức thường xuyên giúp các em học sinh được trang bị thêm kỹ năng tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe để phát triển toàn diện.
Người viết bài:
Cô giáo Thân Thị Hoa - Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân, Tp Hải Phòng.