Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sĩ, những người cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân. Năm 1947, trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Người đã đề nghị các ban, ngành, đoàn thể Trung ương đang họp ở Đại Từ, Thái Nguyên, lấy ngày 27-7-1947 làm “Ngày Thương binh” đầu tiên trong cả nước (sau đó gọi là Ngày Thương binh, Liệt sĩ). Từ đó, hàng năm, ngày 27-7 trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thương binh, liệt sĩ là một hình thức nhằm để nhân dân và các thế hệ sau ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân. Trong thư đầu tiên gửi Ban thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”, Người chỉ rõ mục đích này: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con thân thích họ hàng ta bị đe doạ. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải gúp đỡ những người con anh dũng”. Trong thư gửi thương binh, gia đình liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh giá trị cao cả này, để cho tất cả người dân nhận thức sâu sắc những cống hiến của thương binh, liệt sĩ, từ đó có những hoạt động tự giác, xứng đáng với công lao của họ. Khi giáo dục lòng yêu nước, Người thường căn dặn cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ "ăn quả phải nhớ người trồng cây", phải chăm lo đền ơn thương binh, liệt sĩ, những người bỏ thân vì nước và đồng bào “máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Trong kháng chiến dù rất bận nhưng sau các chiến dịch, Người thường quan tâm chăm sóc thương, bệnh binh. Đến các nơi chữa bệnh, nuôi dưỡng thương binh, Người ân cần thăm hỏi, tặng quà từ tiền tiết kiệm và đồ dùng của mình để thêm phần chăm sóc cho thương binh.
Theo Chủ tịch Hồ chí Minh, con người luôn phải làm chủ hoàn cảnh, không bao giờ bị trói buộc bởi hoàn cảnh khách quan, mà phải có ý chí, nghị lực vượt qua số phận, có thể khắt khe nhất để trở thành một con người hữu ích. Điều ấy được Người chỉ rõ: “Thương binh tàn nhưng không phế” và vẫn có thể đóng góp lớn cho xã hội ở hai lĩnh vực là năng lực công tác, sản xuất và nêu gương đạo đức. Người căn dặn thương, bệnh binh phải khiêm nhường, biết ơn sự săn sóc của đồng bào, không được ra vẻ công thần, cần cố gắng tự lực, cánh sinh…
Đánh giá chính xác ý nghĩa và giá trị những mất mát, hi sinh của thương binh, liệt sỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, nếu người dân Việt Nam dám xả thân vì nước trước hoạ xâm lăng như một hành động, tất yếu cao cả, những mất mát trong chiến tranh không thể tránh khỏi thì công tác thương binh, liệt sĩ phải trở thành một bộ phận tất yếu, hữu cơ trong toàn bộ đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Công tác thương binh phải trở thành một chính sách xã hội. Tuy nhiên, thực tế nước ta, số lượng thương binh, gia đình liệt sĩ nhiều, Nhà nước ta còn nghèo không đủ sức đáp ứng mọi nhu cầu và sẽ không làm hết trách nhiệm của mình đối với tầng lớp xã hội đặc biệt này, theo Hồ Chí Minh con đường tốt nhất là thực hiện xã hội hoá công tác thương binh, liệt sĩ để giải quyết vấn đề khó khăn, lâu dài này. Mà xã hội hoá trước hết, đó là trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và của người dân. Trên cơ sở tự nguyện, tuỳ hoàn cảnh mà các cấp, ngành, đơn vị, địa phương có các hình thức giúp đỡ, hỗ trợ gia đình liệt sĩ, thương binh thiết thực, hiệu quả. Hồ Chí Minh yêu cầu để đền đáp công ơn thương binh và gia đình liệt sĩ “Chính phủ tìm mọi cách để giúp đỡ họ” và mong muốn: “Từ trước đồng bào đã giúp đỡ nhiều. Nhưng tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh. Mà lòng bác ái của đồng bào cũng không có hạn. Vì vậy, tôi mong và chắc rằng: đồng bào trước đã giúp đỡ, sau này sẽ sẵn sàng giúp đỡ mãi”. Nhưng giúp đỡ thương binh không không chỉ là nhất thời mà lâu dài là phải tạo điều kiện cho họ có khả năng thích nghi và hoà nhập với đời sống cộng đồng, Người nói: “Giúp thương binh lâu dài, chứ không phải chỉ giúp trong một thời gian. Không phải giúp bằng cách góp gạo nuôi thương binh”. Trước khi "từ biệt thế giới này", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết di chúc căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.
76 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn "Ngày thương binh", toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vận dụng, kế thừa và thực hiện quan điểm và tấm gương của Hồ Chí Minh trong công tác thương binh liệt sĩ, gắng sức đền ơn, đáp nghĩa người có công với nước. Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy cao độ truyền thống "uống nước nhớ nguồn", lòng yêu nước của đồng bào cả nước và làm nảy nở ở các địa phương, các ngành, các đơn vị, nhiều phong trào đền ơn đáp nghĩa người có công.
Hải Phòng là địa phương có truyền thống đấu tranh bất khuất lập nên nhiều kỳ tích anh hùng. Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Hải Phòng đã đóng góp sức người, sức của cùng với cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược. Bên cạnh truyền thống vẻ vang, đồng bào và chiên sĩ Hải Phòng cũng chịu nhiều mất mát, hy sinh. Hiện nay trên địa bàn thành phố Hải Phòng có gần 30 nghìn liệt sỹ; gần 11.580 thương binh; 2.690 bệnh binh; hơn 7000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đang hưởng trợ cấp; 2.569 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 65 Mẹ còn sống). Từ rất sớm, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã có hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt các chính sách hậu phương quân đội, nhất là kỷ niệm ngày 27/7 hàng năm các cấp, các ngành và Nhân dân thành phố tổ chức các hoạt động tri ân nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ năm 2016 đến nay thành phố Hải Phòng luôn là điểm sáng của phong trào Đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình chính sách người có công với cách mạng, liên tục là địa phương có mức quà tặng cao nhất trong cả nước cho gia đình chính sách người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 và các dịp lễ, tết. Năm 2023, thành phố dành hơn 250 tỷ đồng để tặng quà cho 45.489 người có công, thân nhân và người thờ cúng liệt sĩ, tổ chức các đoàn lãnh đạo thành phố đi thăm hỏi, tặng quà, động viên đơn vị thương binh, bệnh binh và gia đình người có công, cá nhân thương binh, bệnh binh tiêu biểu trên địa bàn thành phố. Cùng với đó chương trình chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, đặc biệt là cuộc vận động toàn dân ủng hộ xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” những năm qua được khơi dậy và ngày càng phát triển mạnh, nhiều phong trào được xã hội hoá, đã cuốn hút các cấp, các ngành, các đơn vị tham gia. Công tác giám định người nghi nhiễm chất độc hóa học, giải quyết hồ sơ công nhận liệt sĩ, điều dưỡng sức khỏe… được đẩy mạnh, không để tồn đọng hồ sơ.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới, sửa nhà ở cho người có công với cách mạng được thành phố xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là chính sách an sinh xã hội giúp người có công với cách mạng nâng cao chất lượng cuộc sống. Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 32/2018/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Theo Nghị quyết, từ 100% kinh phí là ngân sách thành phố, thành phố tiếp tục hỗ trợ gia đình người có công bằng tiền mặt theo mức hỗ trợ quy định tại Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ (40 trđ/hộ đối với hộ xây mới; 20 trđ/hộ đối với hộ sửa chữa); đồng thời thành phố hỗ trợ thêm vật liệu là gạch, xi măng giúp gia đình người có công có điều kiện xây dựng, cải tạo nhà ở. Với việc quyết liệt triển khai thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 32/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhiều gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn đã có nơi ở khang trang, chất lượng cuộc sống được cải thiện, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của nhân dân địa phương nơi cư trú, không còn hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc người có công với cách mạng, với Tổ quốc, nhằm kế thừa và phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn của dân tộc, vận dụng, học tập quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong công tác thương binh, liệt sĩ, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã phát triển sâu rộng tại Hải Phòng. Phong trào đã và đang tạo luồng sinh khí mới cho sự đồng thuận xã hội tạo động lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc xây dựng, phát triển thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.